Hiện vật tiêu biểu Bảo tàng Quảng Ninh

Phòng trưng bày đặc biệt các Bảo vật quốc gia

Bảo tàng Quảng Ninh có tổng số hơn 30.000 hiện vật, trong đó có 5 sưu tập hiện vật đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh đã làm hồ sơ khoa học và 12 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.[1] Tính đến năm 2022, Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những đơn vị sở hữu nhiều bảo vật quốc gia nhất Việt Nam cùng với Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (12 hiện vật), chỉ xếp sau Bảo tàng Lịch sử quốc gia (22 hiện vật). Các bảo vật quốc gia được bảo quản riêng biệt trong một phòng trưng bày mới khai trương tháng 4 năm 2019.[34]

Bảo tàng Quảng Ninh tuy có thuận lợi là được đầu tư mới, chế độ bảo quản chung tốt nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn bảo quản đặc biệt cho Bảo vật quốc gia thì cũng chưa đủ. 8 chiếc tủ trưng bày bảo vật quốc gia hiện chỉ có 1 chiếc duy nhất là đủ điều kiện bảo quản, xét theo tiêu chí trước tiên là sự an toàn cho hiện vật.[35]

Các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Quảng Ninh gồm:

SốTên bảo vậtNiên đại - nền văn hóaSốTên bảo vậtNiên đại - nền văn hóa
1Bình gốm đầu rằmVăn hóa Phùng Nguyên muộn
cách nay 3000-4000 năm[36]
2Hộp vàng Ngọa Vân - Yên TửThời Trần
thế kỉ XIV[36]
3Trống đồng Quảng ChínhVăn hóa Đông Sơn
khoảng thế kỷ III - II TCN[37]
4Thống đồng thời TrầnThời Trần
thế kỷ XIII - XIV[37]
5Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màuThời Lê sơ
thế kỷ XV[37]
6Bình gốm hoa nâu KinnariThời Lý
Thế kỷ XI - XII[38]
7Bình gốm hoa senThời Lý
Thế kỷ XI - XII[38]
8Thạp gốm hoa nâuThời Lý
Thế kỷ XI - XII[38]
9Thạp đồng văn hóa Đông SơnVăn hóa Đông Sơn
khoảng thế kỷ III - II TCN[39]
10Thống gốm hoa nâu An SinhThời Trần
thế kỷ XIII[39]
11Thạp gốm hoa nâu thời TrầnThời Trần
thế kỷ XIII - XIV[39]
12Bình gốm men vẽ nhiều màuThời Lê sơ
thế kỷ XV[39]

Bình gốm Đầu Rằm

Bình gốm Đầu Rằm
Bảo vật quốc gia số 1, đợt 7
Bình gốm Đầu Rằm
Chất liệuĐất sét nung
Chiều cao25,3cm[40]
Chiều rộngvai 14cm
miệng 6,5cm
Chiều dày0,5 - 0,7cm
Khối lượng1000g[40]
Niên đại3.400 - 3.000 năm cách ngày nay
Thời kỳ/Văn hóaVăn hóa Phùng Nguyên
Địa điểm phát hiệnDi tích Đầu Rằm
Hoàng Tân, Quảng Yên
Thời điểm phát hiện1998
Phát hiện bởiViện Khảo cổ học[41]
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Quảng Ninh
Số đăng kýBTQN 382/G235[42]

Bình gốm Đầu Rằm (trước đây gọi là Bình gốm Hoàng Tân) được đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phát hiện năm 1998 tại di tích khảo cổ học Đầu Rằm thuộc xã Hoàng Tân, Quảng Yên.[41]

Bình gốm Đầu Rằm được làm bằng đất sét, nung ở nhiệt độ khoảng 700-800°C, thuộc loại gốm chắc. Xương gốm màu xám đen và được làm từ đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể. Áo gốm màu đỏ sẫm, làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng. Thân tròn chia thành bốn mặt, chân đế vuông rất độc đáo. Kỹ thuật chế tác xương gốm và áo gốm của cư dân Đầu Rằm tương tự kỹ thuật cư dân văn hóa Hạ Long.[41]

Các nhà nghiên cứu đều nhận định bình gốm Đầu Rằm thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên. Kết quả phân tích bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang cung cấp niên đại tuyệt đối khoảng 3100 năm cách ngày nay. Từ giai đoạn sau Phùng Nguyên, khi đồ đồng dần phát triển, sự tài khéo và cảm nhận thẩm mỹ của người Việt đã dần chuyển sang đồ đồng. Do vậy, những tác phẩm tuyệt mỹ như bình gốm Đầu Rằm hay bát bồng và thố Phùng Nguyên đều không được sản xuất nữa.[41]

Bình gốm Đầu Rằm là hiện vật gốc độc bản được tìm thấy trong số hàng trăm di tích thời đại tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam. Nghệ thuật gốm Phùng Nguyên luôn được đề cao như là một đỉnh cao kỹ - mỹ nghệ trong kho tàng gốm Việt Nam thời tiền sơ sử. Tuy nhiên, cho đến nay, bình gốm Đầu Rằm vẫn là hiện vật gốm có hình dáng chiếc gùi tre duy nhất của thời đại đồ đồng sơ kỳ được phát hiện trong khảo cổ học.[41]

Bình được nung ngoài trời, không có lò cố định, nên nhiệt độ không đều (là cách nung phổ biến trong thời Tiền - Sơ sử Việt Nam) tạo nên những mảng màu khác nhau.[40] Toàn bộ thân bình có màu đỏ sẫm, 2/5 thân bình có màu trắng xám (do lộ trên mặt đất và bị vôi hóa do nước trong hang đá vôi). Dọc thân bình có bốn đường gờ nổi đắp thêm chạy dài từ phần vai đến hết phần chân đế, chia thân bình và chân đế thành bốn mặt. Quanh miệng bình là những đường chỉ dài được khắc chìm, miết láng trở thành đường viền bao và tạo ra một hình vành khuyên để trang trí các họa tiết hoa văn hình chiếc lá trên phần vai gần miệng bình. Mô típ hoa văn chữ S ngược được trang trí kín cả bốn mặt của phần thân bình và phần chân đế.[42]

Các đồ án hoa văn hình chữ S trên bình gốm Đầu Rằm mang tính đặc trưng, điển hình cho hoa văn trang trí trên đồ gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Điều này minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa cư dân ở Đầu Rằm, thuộc văn hóa Tràng Kênh vùng ven biển Đông Bắc với cư dân thuộc Văn hóa Phùng Nguyên vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ.[42] Kỹ thuật đối xứng trên hoa văn đã chứng minh rằng cư dân nơi đây thời đại đồ đồng sơ kỳ đã biết và vận dụng thành thạo tư duy đối xứng trong trang trí hoa văn gốm, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm sản xuất. Sự lặp lại nhiều lần của một họa tiết hoa văn hình chiếc lá theo vành tròn đồng tâm trên vai bình dường như là sự phản ánh nhận thức của con người về những chu kỳ luân chuyển mùa trong năm, sự thay đổi ngày và đêm, nóng và lạnh, trăng khuyết trăng tròn, sự đâm chồi, sinh trưởng, đơm hoa kết quả của cây trái.[41]

Phần miệng bình bị vỡ, trên thân bình có một lỗ nhỏ (khoảng 3cm) gần vai, khả năng đây là lỗ của vòi bình đã bị vỡ. Những dấu ấn sứt mẻ trên miệng, vòi và chân đế bình gốm Đầu Rằm còn cho thấy quan niệm tâm linh của cư dân cổ vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam. Dường như, người Đầu Rằm đã có nghi thức “sát hại đồ vật” khi chôn cất đồ tùy táng theo người chết trong tang lễ.[40]

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử
Bảo vật quốc gia số 16, đợt 7
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử
Chất liệuVàng
Chiều cao4,20cm[43]
Chiều rộngđường kính miệng trong 4,8cm
đường kính miệng ngoài 5,1cm
Chiều dày0,3cm
Khối lượng56,44g[43]
Niên đạithế kỉ XIV
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Địa điểm phát hiệnthôn Trại Lốc
An Sinh, Đông Triều
Thời điểm phát hiện21 tháng 6 năm 2012[41]
Phát hiện bởiThích Quảng Hiền[44]
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Quảng Ninh

Chiều 21 tháng 6 năm 2012, máy xúc thi công mở rộng đường từ thôn Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử, đã đào lộ ra một chiếc hộp kim loại màu vàng từ sườn một quả đồi thấp tại địa phận xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nhà sư Thích Quảng Hiền, trụ trì chùa Trung Tiết đã tình cờ đi ngang qua và phát hiện ra chiếc hộp.[45]

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (còn được gọi là Hộp vàng hình hoa sen) được chế tác hoàn toàn bằng vàng ta, có trọng lượng tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng, có dáng hình cầu, thân tạo múi dáng 11 cánh sen mềm mại, giống như bông sen đang độ khai mãn. Hộp còn nguyên cả nắp.[44]

Nắp hộp được tạo tác vô cùng công phu, với 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm, là hình ảnh của một đài sen. Ngoài cùng có tới 11 cánh, lớp cánh thứ hai có 33 cánh, lớp thứ 3 có 28 cánh và lớp trong cùng có 15 cánh. Giữa nắp là một đài sen được tạo tác rất công phu với 4 lớp, diềm cánh xếp vòng tròn đồng tâm. Chính giữa tâm nắp hộp là núm nắp được tạo tác như đài sen nhỏ và xen kẽ giữa các lớp cánh sen là đường chỉ nổi và diềm văn chấm tròn như nhụy hoa.[46]

Hộp được chế tác bằng kỹ thuật gò trên khuôn và tạo hoa văn bằng kỹ thuật khắc, gò bằng tay - loại kỹ thuật luôn cho ra những sản phẩm độc bản. Các họa tiết hoa văn, nhất là nền gấm văn mây làm nền họa tiết hoa chanh là họa tiết chính, cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân. Các đường nét và họa tiết hoa văn nhỏ, với nét khắc sắc nét, khỏe khoắn trên thành hộp rất mảnh cho thấy, một nghệ nhân bình thường không thể tạo nên sản phẩm đặc biệt sắc sảo như vậy, mà hẳn phải là một nghệ nhân cao cấp trong các xưởng thợ do triều đình thành lập.[41] Theo các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu kinh thành - đơn vị được mời giám định chiếc hộp, bảo vật chắc chắn có niên đại từ thời Trần, khoảng thế kỷ 14.[44]

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, đây là cốc Át già, một trong 6 vật khí quan trọng sử dụng trong nghi lễ của Phật giáo Mật tông.[41]

Hộp vàng Ngọa Vân là di vật vô cùng quý giá không chỉ bởi được làm bằng vàng mà hình dáng, hoa văn cũng được tạo tác rất hoàn hảo, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện tính đẳng cấp của loại hình đồ vật quý của tầng lớp cao trong xã hội thời Trần. Đây là di vật bằng vàng thời Trần duy nhất hiện còn, có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ, phản ánh tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của triều đại.[41]

Năm 2021, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được in hình lên tem bưu chính Việt Nam trong bộ tem Bảo vật Quốc gia Việt Nam: Đồ vàng do Công ty Tem Việt Nam phát hành.[47]

Trống đồng Quảng Chính

Trống đồng Quảng Chính
Bảo vật quốc gia số 2, đợt 7
Trống đồng Quảng Chính
Chất liệuĐồng
Chiều cao30cm[48]
Chiều rộngđường kính mặt 39,5cm
đường kính đáy 54cm
Khối lượng12,7kg[48]
Niên đạithế kỷ III TCN
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Địa điểm phát hiệnxã Quảng Chính
huyện Hải Hà
Thời điểm phát hiện1981[49]
Phát hiện bởiĐinh Khắc Lân[49]
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Quảng Ninh
Số đăng kýBTQN.5224/ KL874

Năm 1981, ông Đinh Khắc Lân, xã viên Hợp tác xã Quảng Lễ, xã Quảng Chính, huyện Quảng Hà (nay là Hải Hà) trong khi đào đất ở mỏm đồi sau nhà để sang cát cho mẹ, đào sâu xuống hơn 1m đã phát hiện một chiếc trống đồng đặt úp nên đã đưa về lưu giữ trong nhà. Phải đến đầu năm 1983, tình cờ, các cán bộ xã, huyện nắm được thông tin nên đã đến vận động gia đình ông Lân giao trống đồng cho chính quyền. Huyện đã tổ chức trưng bày tại một số hội nghị để cán bộ, nhân dân chiêm ngưỡng trước khi chuyển về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh trưng bày.[49] Trong một thời gian dài, trống Quảng Chính là chiếc trống đồng duy nhất đào được tại tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới phía Đông Bắc. Cho đến năm 2022, người ta mới đào được chiếc trống đồng thứ hai tại Quảng Ninh ở thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long.[50]

Trống đồng Quảng Chính (được đặt tên theo địa danh đã phát hiện ra trống) được Viện Khảo cổ học Việt Nam xếp thuộc trống Heger I - hay còn gọi trống đồng Đông Sơn có niên đại 2500 - 2000 năm cách ngày nay - là loại trống đẹp nhất trong 4 loại trống đồng.[49] Trống Quảng Chính được các nhà khảo cổ học định niên đại vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên.[51]

Trống có dáng thấp, rìa mặt chưa chờm ra khỏi tang, tang nở, lưng hình chóp cụt, chân choãi. Đường kính mặt 39,5cm, chiều cao 30cm, đường kính chân 54cm, nặng 12,7kg. Trống có 2 đôi quai kép trang trí hoa văn thừng. Giữa mặt trống được trang trí hình ngôi sao nổi có 16 cánh nhọn. Quanh ngôi sao còn có các vành hoa văn 4 con chim dang cánh bay theo chiều kim đồng hồ, cánh chim xòe rộng, đuôi hình tam giác, mỏ dài. Làm nền cho vành hoa văn chim bay là các hoa văn hình học như hoa văn răng cưa.[51]

Tang trống có băng hoa văn hình thuyền. Hình ảnh 4 chiếc thuyền nối đuôi nhau, mũi và đuôi thuyền cong vút. Trên mỗi thuyền có 4 người đang ngồi, tay cầm mái chèo. Trong đó 3 người cởi trần ngồi chèo, 1 người mặc áo, nếp áo tới ngang lưng đứng cầm chèo để lái. Tóc của 4 người đều buộc túm ngang vai. Hình ảnh thuyền và người như cho thấy đây là ngày hội đua thuyền đông vui và sôi nổi.[49] Lưng trống có vành hoa văn trang trí 12 hình chim đứng. Các con chim trong tư thế sinh động nằm trong các khuôn hoa văn hình chữ nhật. Chiếc trống Quảng Chính khá giống với các trống Đông Sơn khác như trống Đồi Ro (Hòa Bình) và trống Làng Vạc I (Nghệ An).[51]

Về kỹ thuật đúc, theo các nhà khảo cổ học, trống đồng Quảng Chính được đúc bằng khuôn hai mang bởi hợp kim đồng, thiếc và arsenic. Khi đúc trống, để giữ cho trống khỏi xê dịch, những nghệ nhân đúc trống phải sử dụng các con kê. Dấu vết của các con kê này vẫn còn lại trên mặt tang và thân trống. Vị trí các con kê đều được tính toán để nó không chạm vào các chi tiết hoa văn.[49]

Trống đồng Quảng Chính là hiện vật gốc độc bản, mang phong cách của trống Đông Sơn, nhưng cũng có sự khác biệt. Họa tiết hình chim trên trống này cũng rất độc đáo, lại bay cùng chiều kim đồng hồ được thể hiện bằng các đường cong mềm mại với hình dáng cổ, mỏ, hình chim được thể hiện theo phong cách tả thực, trong khi trên các trống Đông Sơn chim lại bay ngược chiều kim đồng hồ với đuôi hình tam giác dài, thân dài, cánh hơi ngắn, cổ và mỏ dài. Hoa văn hình người chèo thuyền là mô típ phổ biến trên trống đồng Đông Sơn, nhưng hình người trên trống Quảng Chính lại thể hiện khá đơn giản. Hoa văn hình chim đứng trên trống Quảng Chính cũng khá đặc biệt, là độc nhất vô nhị mà ta biết được cho đến nay. Thành phần hợp kim không có chì cũng là một điểm khác biệt.[48]

Không chỉ là chiếc trống đồng được trang trí hoa văn đẹp, trống Quảng Chính còn cho biết lịch sử mảnh đất và con người Quảng Ninh từ cách đây hơn 2.000 năm. Trống không phải là hiện vật trôi dạt theo sông, suối từ phương Bắc sang đến vùng này, mà trống được chôn trên đồi cao một cách có chủ ý. Có hai khả năng trống được chôn: Một là trống được chôn theo người chết với chức năng là đồ tùy táng, chia của cho người chết; hai là trống được chôn trong quãng thời gian người xưa không sử dụng. Thư tịch và tài liệu dân tộc học cho thấy nhiều tộc người coi trống như vật thiêng, chỉ khi nào lễ hội, năm mới thì đem ra đánh. Ngoài thời gian đó, trống được đem chôn cất trong rừng sâu chờ đến mùa lễ hội sau.[51]

Thống đồng thời Trần

Thống đồng thời Trần
Bảo vật quốc gia số 19, đợt 8
Thống đồng thời Trần
Chất liệuĐồng
Chiều cao37cm[52]
Chiều rộngđường kính miệng trong 42,5 - 43,5cm
đường kính thân 45cm
Khối lượng15.000g[52]
Niên đạithế kỉ XIV
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Quảng Ninh
Số đăng kýBTQN 6124/KL1079[52]

Thống đồng được Bảo tàng Quảng Ninh sưu tầm trong Dự án sưu tầm và trưng bày Bảo tàng của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh năm 2018. [53]Căn cứ vào hình dáng, chất liệu, kỹ thuật đúc, họa tiết hoa văn trang trí và kết quả phân tích giám định thì hiện vật có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII-XIV).[54]

Thống có dáng hình trụ, thành cong, gờ miệng phẳng, loe ngang, thân phình kiểu tang trống, đáy bằng, trên thân đúc nổi hai đôi quai đối xứng nằm giữa hai đường gờ nổi. Sát chân quai là họa tiết hoa mai đúc nổi nhiều cánh, đây là họa tiết hoa văn đúc nổi duy nhất trang trí trên thống. Tại phần tiếp xúc giữa thân và hai đôi quai thống được đúc nổi bốn bông hoa mai có đường kính 2,6 - 2,9cm. Mỗi bông hoa có 6 cánh bám lấy phần chân quai vừa có giá trị trang trí tăng thêm tính thẩm mỹ, mặt khác có thể là phần gia cố thêm độ vững chắc của quai khi thống được sử dụng vào mục đích chứa, đựng hoặc khiêng thống diễu hành trong các nghi lễ.[53]

Ngoài họa tiết hoa văn đúc nổi được đúc trên quai thống còn có nhóm hoa văn khắc, các hoa văn này được khắc trực tiếp vào thân thống và được trang trí thành bốn nhóm họa tiết khác nhau chia các mảng trang trí trên thân thống thành bốn dải băng:[53]

  1. Họa tiết hình rồng thời Trần: chuyển động từ trái sang phải
  2. Họa tiết hoa chanh: 28 bông hoa 4 cánh nằm giữa 2 đường gờ nổi rộng 3cm, nổi cao 0,2cm
  3. Họa tiết trang trí cảnh: “vinh quy bái tổ”, “đấu kiếm”, “đánh vật”, “lễ hội”
  4. Họa tiết cánh sen: khắc xen kẽ cánh to, cánh nhỏ nối tiếp nhau tựa như một đài sen

Các chuyên gia xác định đây là hiện vật gốc thời Trần thế kỷ XIII – XIV, được sử dụng như là vật tế khí trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình (miếu/đường) thời Trần và tiếp tục được sử dụng trong các giai đoạn lịch sử sau.[53]. Chiếc thống là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có những yếu tố mang truyền thống Văn hóa đồ đồng Đông Sơn, nhưng cũng thể hiện đặc trưng riêng của Văn hóa thời Trần. Đây là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng kim loại đồng còn tồn tại đến ngày nay với chức năng là vật dụng tế khí trong các nghi lễ của đời sống tín ngưỡng tôn giáo dân gian. Hoa văn trang trí trên thống đồng vừa có tính chất vương quyền và thần quyền, có cả yếu tố Phật giáo truyền thống thời Trần - Lê.[52]

Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu

Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu
Bảo vật quốc gia số 20, đợt 8
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu
Chất liệuGốm men
Chiều cao27cm[55]
Chiều rộngđường kính miệng 41,3 - 41,5cm
đường kính đáy 20,6cm
Khối lượng5.500g[55]
Niên đạithế kỉ XIV
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Địa điểm phát hiệnTàu đắm Cù Lao Chàm
Thời điểm phát hiện2000[56]
Phát hiện bởiNguyễn Tuấn Anh[57]
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Quảng Ninh
Số đăng kýBTQN 6150/G684[55]

Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật hiện do Bảo tàng Quảng Ninh mua lại của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Tuấn Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội)[54][57]. Chiếc mâm bồng gốm men này được trục vớt từ vùng biển Cù Lao Chàm, nơi đã phát hiện và khai quật con tàu Cù Lao Chàm chở đầy gốm men Việt Nam thời Lê sơ.

Mâm bồng được chế tạo từ đất sét trắng có hàm lượng cao lanh cao, hàm lượng nhôm trong cốt gốm chiếm trên 40%; số loại tạp chất không nhiều và tỉ lệ tạp chất không cao. Điều này minh chứng rằng nguyên liệu làm cốt gốm của mâm bồng được được tinh lọc rất cẩn thận[58]

Quan sát tổng thể, mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu giống như một đóa sen với phần mâm phía trên chính là bông sen, cổ và thân là cuống của bông sen. Ở góc nhìn thẳng từ trên xuống, nó tựa một đoá sen đang độ khai mãn mà đài sen chính là lòng đĩa với họa tiết cá hoá rồng được bao quanh bởi 9 linh thú, thành đĩa uốn cong với nhiều lớp cánh sen ôm lấy đài sen.[58]

Mâm nằm ở trên cùng có cấu trúc giống như loại đĩa lớn sâu lòng, thành uốn cong, miệng giật cấp và tạo hình cánh sen (đường kính miệng: 41,3-41,5cm; đường kính đáy: 20,6cm; Cao 8,5cm; lòng đĩa sâu 6,5cm). Phần cổ nằm ở giữa, hai đầu trên dưới có cấu trúc tròn và thắt lại; phần giữa hình lục giác, phình ra và giật lại 2 cấp; Chân đế có cấu trúc hình bán cầu, mặt với 6 điểm nhô ra tạo thành 6 chân kiểu chân quỳ, phần giữa các chân thụt vào thành các hộc nông; toàn bộ 6 chân và hộc đặt trên vành tròn, là điểm tiếp giáp của đế (toàn bộ phần cổ và chân cao 18,5cm; đường kính đáy vành tròn là 19cm).[58]

Các dải băng hoa văn, đồ án hoa văn chủ yếu được sử dụng trang trí trên mâm bồng: Cá chép hoá rồng, linh thú, cánh sen, long mã, nhân vật. Các đường nét chủ đạo được vẽ bằng nhiều màu sắc khác nhau: màu lam, màu nâu đỏ và màu vàng ánh kim để tạo các điểm nhấn cũng như hình khối khiến hoạ tiết càng trở nên sống động và rực rỡ.[58]

Giá trị nghệ thuật và tư tưởng thể hiện rõ nét qua các đề tài trang trí trên Mâm bồng với 3 nhóm đề tài: đề tài Phật giáo; đề tài Đạo giáo và Đề tài Nho giáo. Theo đó: Đề tài Cá hoá rồng là đề tài mang tính chủ thể, thể hiện tư tưởng của Nho giáo trong việc học tập, tu dưỡng bản thân để mong có thể thành danh giúp đời, giúp người; Họa tiết hoa sen không chỉ hỗ trợ để tôn lên hình khối của mâm và đề tài chính của đồ án trang trí mà còn thể hiện những giá trị biểu trưng của Phật giáo; Các đồ án sừng tê, ngọc báu, sinh tiền trang trí trên cổ mâm bồng là các đồ án trong bộ Bát bửu (tám vật báu); hình ảnh nhân vật trang trí trong các hộc chân đế là những đề tài nằm trong bộ đồ án Bát tiên (tám vị tiên) của Đạo giáo với phép tu tiên, sử dụng các bùa phép thể hiện cầu chúc những điều may mắn và thành công.[58]

Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu niên đại thời Lê sơ có bốn tiêu bản: hai tiêu bản ở trong nước (một chiếc tại Bảo tàng Quảng Ninh, một tiêu bản khác có trong sưu tập tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh); còn hai tiêu bản ở nước ngoài (một ở bảo tàng Nhật Bản và một ở Indonesia). Tuy nhiên, cả ba tiêu bản nêu trên rất khác với tiêu bản ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.[55] Mâm bồng này hội tụ và thể hiện trình độ và giá trị của gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ, thuộc nhóm gốm đặc sắc - gốm men vẽ nhiều màu.[58]

Thống gốm hoa nâu An Sinh

Thống gốm hoa nâu An Sinh
Bảo vật quốc gia số 13, đợt 10
Thống gốm hoa nâu An Sinh
Chất liệuGốm men
Chiều cao71,5 - 73cm[59]
Chiều rộngđường kính miệng 107 - 108cm
đường kính đáy 68 - 69cm
Khối lượng126kg[59]
Niên đạithế kỉ XIII
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Địa điểm phát hiệnĐền An Sinh
Thời điểm phát hiện2017[60]
Phát hiện bởiĐại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng Quảng Ninh

Năm 2017, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, UBND thị xã Đông Triều tiến hành khai quật tại 3 di tích: Am Ngọa Vân, Đá Chồng và đền An Sinh. Bên cạnh các dấu vết kiến trúc, tại di tích đền An Sinh, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều loại hình di vật, trong đó tiêu biểu nhất là thống gốm (một dạng chậu lớn) hoa nâu và tượng chim phượng. Thống gốm hoa nâu bị vỡ thành hàng trăm mảnh lớn, nhỏ khác nhau, lắp ghép các mảnh đã tìm được cho thấy, đây là thống có kích thước lớn nhất hiện biết. Thân thống trang trí rồng, hoa sen dây và hoa chanh. Các họa tiết trang trí trên thân chậu cho thấy đây là một vật dụng cao cấp của hoàng gia nhà Trần.[60]

Trên hiện trường, thống được phát hiện trong một sân lát gạch vuông, diện tích khoảng 28 m². Hai bên đông tây của thống có 2 bồn cây hình chữ nhật xếp bằng gạch và đá cuội. Có thể 2 bồn cây này vừa có chức năng trang trí, vừa có chức năng cố định vị trí của thống gốm. Dựa vào bối cảnh khảo cổ này, cộng thêm các yếu tố như hình dáng, chất liệu, dòng men, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí, so sánh với hệ thống di vật thời Trần, thống được xác định có niên đại thời Trần, thế kỷ 13.[61]

Đặc trưng tiêu biểu nhất giúp nhận diện giá trị và chức năng của thống gốm hoa nâu An Sinh là hoa văn trang trí. Từ trên xuống dưới thống phân chia thành 6 băng hoa văn trang trí khác nhau, có hoa văn chính, có hoa văn phụ, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần:[59]

  1. Băng hoa văn 1: trên cùng, khắc 15 hoa dây lá dài nằm ngang
  2. Băng hoa văn 2: Khắc các vân mây có đuôi dài nằm ngang, bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ
  3. Băng hoa văn 3: Dùng kỹ thuật khắc dây hoa hình sin, khắc nối từ các đường giới hạn nằm ngang thành 8 khoảng riêng biệt. Trong mỗi khoảng khắc một con rồng đang bay theo chiều kim đồng hồ, vừa bay vừa phun châu nhả ngọc.
  4. Băng hoa văn 4: Dùng kỹ thuật khắc dây hoa hình sin, mỗi nhịp uốn cong lại tạo thành một bông hoa riêng biệt. Tổng cộng có 12 bông hoa.
  5. Băng hoa văn 5: Khắc 12 con chim trong tư thế vận động ngược chiều kim đồng hồ, tô hoa nâu
  6. Băng hoa văn 6: Khắc 39 hình hoa bốn cánh thể hiện theo các đường chéo của hình vuông. Trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, các nhà nghiên cứu gọi là hoa chanh, còn ở Trung Quốc gọi là hoa văn đồng tiền (連錢紋)

Trong số các hoa văn này, hình 8 con rồng cho thấy thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh là đồ dùng của tầng lớp quyền quý tộc Trần, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình hoặc đời sống tôn giáo.[61]

Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại; đồng thời còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt. Đặc biệt, dựa vào bối cảnh khảo cổ phát hiện thống, trong khoảng sân lát gạch gần kiến trúc trung tâm ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu, thống này có thể được dùng trong đời sống hàng ngày hoặc nghi thức cung đình của gia đình Trần Liễu.[59]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo tàng Quảng Ninh http://www.cocsau.com/vi/tin-tuc-su-kien/san-xuat-... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baotangquangninh.vn http://baotangao.baotangquangninh.vn http://www.baotangquangninh.vn http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/bao-quan-... http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/bao-tang-... http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/bao-tang-... http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/bao-vat-q... http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/bao-vat-q...